Tình trạng nợ xấu của các DN

ĐTCK đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

 Nợ xấu của hệ thống ngân hàng mặc dù chưa đến 3,7%, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, trong giai đoạn khó khăn Chính phủ nên đứng ra mua lại, làm sạch khoản nợ xấu, nhằm tạo đà cho ngân hàng bắt kịp nhịp tăng trưởng trong thời gian tới. Quan điểm của ông về hướng giải quyết nợ xấu này ra sao?

Chính phủ các quốc gia khác trên thế giới vẫn mua bán nợ xấu một cách bình thường và Việt Nam cũng nên tiến hành theo cách như vậy. Ví dụ, Chính phủ cũng đã khuyến khích các TCTD bán lại các khoản nợ xấu cho Công ty Mua bán nợ của Bộ Tài chính. Giao dịch này về mặt bản chất chính là Nhà nước mua lại các khoản nợ xấu. Vấn đề chính là phải có đối tượng, có tiêu chí cụ thể. Tôi nghĩ rằng, những khoản gọi là nợ xấu mà Chính phủ có thể xem xét mua phải là những khoản nợ liên quan đến phát triển kinh tế trực tiếp, có tính chất an sinh xã hội hoặc tác động đến tăng trưởng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể mua bán nợ xấu như thế nào.

 Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, chính các ngân hàng cũng không mặn mà với việc bán lại nợ xấu. Một trong những lý do chính là e ngại sẽ “lộ” ra khoản nợ xấu trên thực tế cao hơn nhiều so với con số chính thức công bố, thưa ông?

Theo tôi, việc giấu nợ xấu là không nên, mọi chuyện cần phải minh bạch. Hiện nợ xấu một phần cũng do tác động của khủng hoảng kinh tế, đó là những nguyên nhân khách quan buộc phải chấp nhận. Mặt khác, tình hình nợ xấu của DN sẽ tác động xấu đến ngân hàng. Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, rất khó có thể duy trì mức nợ xấu dưới 1% hay 1,5%. Tất nhiên, người mua nợ cũng phải tính toán, phải thấy có lợi thì mới mua. Chính phủ cũng vậy, phải thấy được việc mua lại nợ xấu của các ngân hàng sẽ mang lại lợi ích gì cho nền kinh tế…

Vì vậy, tôi cho rằng, trong điều kiện thực tế cụ thể, Thống đốc NHNN nên xem xét đến bài toán có thời hạn hiệu lực để chấp nhận tỷ lệ xấu của nền kinh tế đối với các TCTD.

 Vậy theo ông, các nhà đầu tư sẽ quan tâm đến những khoản nợ nào?

Thực ra, điều này là rất khó, tùy thuộc vào “khẩu vị” của từng nhà đầu tư, tùy thuộc vào từng khoản nợ. Lẽ đương nhiên, phải thấy có lợi thì nhà đầu tư mới mua. Vì lẽ đó, theo tôi, bên cạnh “giá” của các khoản nợ thì điều cần quan tâm hơn là khả năng sinh lời của khoản nợ đó. Khi DN được mua lại, người mua xác định sẽ tái cấu trúc để các đơn vị này hoạt động lành mạnh và phát triển. Cũng không loại trừ khả năng nhà đầu tư mua lại DN, dự án, sau đó cơ cấu lại để bán.

Về nguyên tắc, cần tạo ra một thị trường mua bán nợ. Khi đó, những DN, dự án có tiềm năng gặp khó khăn ngắn hạn chắc chắn sẽ có giao dịch.

Hiện một số ngân hàng đang thực hiện miễn giảm lãi trên phần vay cũ của DN với mục tiêu xóa dần nợ xấu. Nhìn nhận của ông về vấn đề này như thế nào?

DN trả hết khoản vay với mức lãi suất cũ sẽ được cho vay với lãi suất mới sẽ giảm ít nhất 3 – 4%/năm. Cụ thể hơn, giả sử một DN vay một khoản với lãi suất 18,5%/năm, hiện mức lãi suất đồng loạt của khoản vay này là 14%/năm. Khi đó, DN có thể huy động ở đâu đó mang về trả nợ và sẽ được cho vay bù đắp để khôi phục dư nợ với lãi suất mới. DN sẽ tiết kiệm được 4%/năm lãi suất, đồng nghĩa ngân hàng sẽ mất đi một phần lợi nhuận, nhưng nếu cứ để lại đến khi đáo hạn, chưa chắc ngân hàng đã đòi được hết.

Thuật ngữ gọi đây là hiện tượng đảo nợ, nhưng quan trọng là về bản chất do điều kiện khó khăn của nền kinh tế tác động mà vẫn tiếp tục để khoản nợ với lãi suất cao thì DN càng khó có khả năng trả nợ. Trong những lúc khó khăn, phải có những giải pháp đặc thù để giải quyết tình thế thực tế. Bởi bản thân người thiệt là ngân hàng chứ không phải là khách hàng, ngân hàng đã chấp nhận suy giảm lợi nhuận.

 Cụ thể thì các ngân hàng sẽ gánh chịu thiệt thòi ra sao?

Ví dụ cụ thể như ở BIDV, mặc dù chưa có tính toán cụ thể, nhưng ít nhất chúng tôi sẽ phải giảm lợi nhuận khoảng 1.200 – 1.500 tỷ đồng trong điều kiện này để hỗ trợ cho các DN. Hiện nay, chúng tôi đang rà soát lại những khoản dư nợ hiện hữu có mức lãi suất từ 17%/năm hoặc 16,5%/năm trở lên để phải có biện pháp xử lý. Nếu không có biện pháp xử lý thì dù lãi vẫn còn đó, nợ cũng nằm im, chắc là khó trả được. Cho nên, tôi đã đề xuất với Thống đốc, ví dụ như các DN mà Nhà nước sở hữu 100% hoặc Nhà nước sở hữu chi phối thì nên có biện pháp điều chỉnh ngay lãi suất trên số dư hiện có. Với các DN khác thì khuyến khích hình thức đi huy động để hoàn trả rồi sẽ được cho vay mới. Nói thật, nếu không cứu DN, DN chết thì ngân hàng cũng chết.

Bình luận về bài viết này